Xem bài

Đảo Lý Sơn – Món quà của thiên nhiên (P2)

Ngày thứ 2 : Hành trình ra đảo Lý Sơn

Chúng tôi đã đặt xe trước tới đón lúc 5h30 sáng để ra cảng Sa Kỳ cách Thành phố khoảng 20km. Xe rất đúng giờ và lái xe, phụ xe đều nhiệt tình. Xuống tới cảng chúng tôi mua vé tàu cao tốc giá 85k một người, thêm 10k tiền cầu bến, rồi ngồi ăn sáng uống café, trà chờ xuống tàu. Chúng tôi đự tính mua vé từ hôm trước cho chắc ăn nhưng ở đây không bán vé trước. Cứ xuống bến rồi mua. Nói chung cũng không hết vé, vì nếu hết thì không có chỗ ngồi nhưng có thể đứng trên boong tàu mát mẻ.

Tàu cao tốc chạy một chuyến một ngày lúc 8h sáng, đi mất một tiếng thì tới đảo. Thời gian này không có tàu nhỏ nào khác chở khách. Tàu cao tốc từ đảo về bờ cũng cuất phát lúc 8h sáng, nhưng khi về tôi đi mất 1.5 tiếng, chắc do tốc độ hai tàu khác nhau. Nếu không đi tàu cao tốc thì còn một cách nữa là bơi, vừa rèn luyện thân thể vừa tiết kiệm tiền vé.

Đây là tàu cao tốc lúc đi, có thể chở khoảng 200 người, có số ghế đàng hoàng:

Quang cảnh trên đường đi

Cảm giác của tôi là nghề đánh cá ở Quảng Ngãi rất phát triển, chủ yếu đang cá xa bờ. Đây là nghề rất nguy hiểm. Ngoài chuyện bão gió thất thường thì bà con hay bị tàu lạ tấn công, bị bắt giữ ở khu vực Hoàng Sa – ngoài khơi của Quảng Ngãi. Xem ra nhóm tàu lạ này còn nguy hiểm hơn Cướp Biển Caribê nhiều. Nhưng bà con ở đây rất kiên cường. Chỉ tiếc là bà con chưa được bảo vệ đúng mức.

Tuy tàu có ghế ngồi nhưng nhiều người thích lên trên boong tàu hóng gió mát và phơi nắng. Nhất là mấy người mấy người bỏ chỗ nhàn hạ, vác theo ba lô nặng sưng vai tìm chỗ hành xác, thỉnh thoảng lạt thấy ngắm ngắm bấm bấm…rồi lại xóa xóa. Mọi người xung quanh có vẻ thông cảm bằng ánh mắt thương hại.

Sau khi rời bến khoảng hơn nửa tiếng thì đã có thể nhìn thấy đảo Lý Sơn xa xa mà lòng bồi hồi khó tả:

Khi vừa lên đảo thì chúng tôi được anh Sơn và anh Khanh đón sẵn ở bến tàu chở về nhà nghỉ Hoa Biển. Một anh bạn khác người gốc Lý Sơn nhưng đang làm vệc ở Quảng Ngãi đã đặt phòng trước cho chúng tôi. Như vậy cả anh Sơn, Khanh và người bạn kia cùng chung ý tưởng là nhà nghỉ Hoa Biển. Đây là nhà nghỉ chỉ cách bến tàu cao tốc khoảng 200m, có nhà hàng ăn uống ngay tại chỗ. 3 anh em chúng tôi ở một phòng sát biển có gió lồng lộng suốt ngày. Không hỏi giá trước, mà tận lúc về khi thanh toán, bà chủ lấy 150k cho phòng 3 người một ngày. Ăn uống thì giá hơi cao hơn trong bờ vì cơm cà mắm muối… đều phải chở trong đất liền ra đảo. Nhưng về sau thì chúng tôi thấy ăn ở nhà hàng Viễn Đông ngay bên cạnh có phần ngon bổ rẻ hơn. Nơi ở của chúng tôi xa trung tâm, nhưng yên tĩnh và sát biển. Trong trung tâm đảo có khách sạn Lý Sơn và nhiều nhà nghỉ khác. Xung quanh đó có nhiều dân cư và dịch vụ hơn, nhưng có vẻ chật chội, nóng nực.

Sau khi ăn trưa với các món hải sản, chúng tôi lên đường đi chùa Hang. Anh Sơn cho mượn một xe máy cho hai anh bạn, còn tôi được Khanh chở đi. Nói chung có xe máy là đi được khắp đảo. Đường xá hầu hết rải nhựa hết, tuy cũng có nhiều ổ gà. Khi đi qua trung tâm đảo chúng tôi thấy nhà cửa san sát và khá nhỏ, giống như đi trong một phố nhỏ của một thị trấn trong bờ. Mùa này không phải mùa tỏi nên bà con trồng nhiều bắp ngô, đậu, hành…Mùa tỏi từ tháng 9 trở đi.

Theo Wikipedia: Chùa Hang (tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự, Chùa đá trời sinh) ở xã An Hải, đảo Lý Sơn, được lập ra dưới triều vua Lê Kính Tông bởi ông Trần Công Thành, một trong những người đã ở đây tạo dựng cùng với việc khẩn hoang, mở đất lập làng An Hải, An Vĩnh xưa. Gọi là chùa Hang vì chùa nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn, được tạo ra từ dãy núi Thới Lới, màu nham thạch, vách núi dựng đứng cao gần 20 m. Chùa Hang đã được Bộ Văn Hóa - Thể Thao và Du Lịch xếp hạng thắng cảnh quốc gia theo quyết định số 921 ngày 20 tháng 7 năm 1994. Sân chùa trước cửa hang nhìn ra biển. Giữa sân có một hồ sen có tượng Phật. Quanh sân là những cây bàng biển cổ thụ đến hàng trăm năm. Hang dài 24 m, trần hang cao 3,2 m, diện tích 480 m².

Để chụp ảnh trên thì phải vén váy, sắn quần lội nước ra ngoài. Hôm đó là thứ Sáu ngày 13 tháng 5, tôi luôn tâm niệm là cẩn thận và cầu thánh Ala phù hộ. Nhưng trời Phật đã định, đá trơn làm tôi trượt chân ngã oạch một cái. Báo hại là quần áo, ví tiền, điện thoại bị ướt. Nhưng chắc do Chúa trời phù hộ, tay tôi vẫn giương cao máy chỉ thiên. Nếu không thì chỉ còn cách xách vali về nước.

Chiều về nhà nghỉ tranh thủ tắm mát mới thích làm sao. Đặc điểm của nhà nghỉ cả lầu chung nhau một phòng tắm, nên phải thay nhau sử dụng. Như vậy sẽ hơi bất tiện cho chị em. Được cái nước tắm mạnh và mát. Sau khi tắm mát chúng tôi xuống nhà hàng của nhà nghỉ, cãnh bãi biển nhâm nhi hải sản và bia lạnh. Có một em gái dễ thương tiếp thị bia Quang Ngãi, chúng tôi uống thử thấy cũng ngon. Gạo ở đây khá ngon. Anh bạn của tôi thích cơm chiên tỏi, tôi cũng ăn theo. Cơm ngon rang với tỏi Lý Sơn thật tuyệt. Các bác lưu ý là trên đảo chỉ có điện lưới từ 5pm – 11pm. Vậy nên khi về phải tranh thủ sạc Pin cho máy ảnh, điện thoại, flash…ngay lập tức. Thường lúc ăn trưa thì nhà nghỉ chạy máy phát điện 1-2 tiếng để chạy quạt cho mát. Ăn tối xong thì ngồi hóng gió biển và xem lại ảnh chụp ban ngày. 11h mất điện, chúng tôi đi ngủ để sáng hôm sau dậy sớm chụp bình minh.

Nguyễn Xuân Vinh (cuopbien)

Còn tiếp

nhombientap · 1862 ngày trước
Bình luận
Xếp theo: 
Trên một trang: 
 
  • Chưa có bình luận nào
Post info
21.07.2011 (1862 ngày trước)
Tùy chọn
Đánh giá
0 đánh giá
Đề xuất
 
Bài nổi bật
Chuyên mục
Miền Nam (3 bài)
Miền Trung (1 bài)
Tin tức (3 bài)
Điểm đến (1 bài)
Đảo Lý Sơn – Món quà của thiên nhiên (P2)