Người ta thường nói “tình đầu bao giờ cũng đẹp”, dẫu có dang dỡ, dẫu có chia xa… Nhưng tình đầu luôn đọng lại, âm ỉ trong tiềm thức mỗi chúng ta về những kỷ niệm ngọt ngào, những ánh mắt nhìn, hay những nụ hôn vụng về nhưng cháy bỏng… Đã lâu lắm rồi ký ức về mối tình đầu ngủ vùi đâu đó trong lòng nay bỗng dưng trỗi dậy sau một chuyến đi. Tôi nghiệm ra rằng điều gì đó đầu tiên bao giờ cũng đẹp, cũng tuyệt vời và đầy luyến tiếc. Tây Bắc từ lâu như nằm lòng qua những lời kể, những thước hình của các thành viên trên nhiều diễn đàn nhiếp ảnh. Ước ao được một lần thôi vi vu trên đỉnh đèo của núi rừng Tây Bắc, được ngắm những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn như những dãi lụa vàng óng vắt trên sườn đồi, ngắm mây vờn trên đỉnh núi mờ mờ sương, được hòa tan vào tiếng cười và ánh mắt trong trẻo của trẻ thơ vùng cao, được nghe tiếng suối róc rách giữa bạt ngàn đồi núi…Giờ thì giấc mơ đã thành hiện thực. Lần đầu Tây Bắc thật nhiều bỡ ngỡ, lạ lẫm, đầy si mê cứ như là lần đầu đối diện trước trước một chàng điển trai, cường tráng với ánh mắt hút hồn. Yêu lắmTây Bắc ơi… Cảm xúc trong tôi về chuyến đi này thật nhiều, biết kể làm sao cho xiết? Tôi đã có những phút giây “bên cảnh bên tình” thật tuyệt vời. Cảnh thì như tranh ai đó lỡ tay đánh rớt giữa trời, tình thì đầm ấm những tiếng cười ngắt ngẽo trên xe, những câu thơ ngẫu hứng, những lời dí dỏm dễ thương từ các bạn đồng hành.
Tạm xa Sài Gòn nhộn nhịp với những cơn mưa bất chợt. Hà Nội những ngày cuối tháng chín, trời đang vào thu, mát mẻ thật dễ chịu. Khuất dần phố phường đông đúc, những ngôi nhà cao tầng…Chúng tôi thong dong trên con đường rải nhựa uốn quanh triền đê, hoa sữa ven đường thơm nồng nàn lòng người lữ khách. Xa xa những đống rơm rạ sau ngày mùa, mùi phân bò thoang thoảng trong gió chiều gợi nhớ nhiều miền quê Việt. Trên cung đường đi Tây Bắc, chúng tôi dừng chân ghé thăm Làng Cổ Đường Lâm.
Làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, nay là TP Hà Nội, được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia năm 2005 và là làng cổ đầu tiên của cả nước được xếp hạng di tích. Không có rêu phong của thời gian, không có bụi bặm của xi măng cốt thép, chỉ có sự trong lành, thanh tịnh của đá ong, của những ngôi nhà năm gian, hai trái. Nét xưa còn nguyên đó, nhưng dường như thời gian vừa là nơi lưu giữ dấu xưa vừa là nơi tàn phá những giá trị hiếm hoi ấy. Hoà bình, chiến tranh rồi lại hoà bình, bom đạn, hoả hoạn, thiên tai, những ngôi nhà trùng mình xuống bở gánh nặng của thời gian. Sự tàn phá của thời gian thật nghê gớm nhưng sự tàn phá của con người còn đáng sợ hơn, khi kinh tế dư giả một chút là người ta sẵn sàng phá bỏ nhà cổ để xây nhà mái bằng tiện nghi hơn. Rồi đây khi thế kỷ 22, 23 còn đâu những nét văn hóa để đời cho con cháu!?. Qua hai cánh cổng làng đã bạc màu sương gió, nằm dưới bóng một cây đa khổng lồ đã 300 năm tuổi, là những ngõ xóm, giếng nước, ao sen, đường làng, mái ngói, đá ong và các công trình kiến trúc cổ xưa trong một không gian sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc của một làng thuần nông của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những ngôi nhà san sát, tường nhà đá ong, cổng nhà bằng gỗ. Lang thang khắp con đường, qua khu chợ nhỏ, bắt gặp những cụ già tóc bạc, răng đen nhánh, đầu vấn khăn…Tôi bất chợt nhớ đến bài thơ “Bên Kia Sông Đuống” của Hoàng Cầm
“Những cụ già bay tóc trắng Những em sột soạt quần nâu…
….Những cô hàng xén răng đen Cười như mùa thu tỏa nắng…”
Làng quê thật bình yên, con người ở đấy thật thân thiện, các cụ già luôn sẵn sàng cười thật tươi, hay tíu tít hỏi han kể chuyện dẫu trước đây chưa một lần gặp gỡ. Trời hôm ấy con nắng cứ dùng dằng oi oi chứ chẳng vàng và trong. Ngẫm trong lòng sẽ còn có dịp quay trở lại nơi đây, vẫn còn Thành Cổ Sơn Tây đẹp ngất lòng chưa đến được.
Rời Đường Lâm, con đường lên Tây Bắc có đoạn gập ghềnh chông chênh băng qua những đồi chè xanh um khiến nhiều thành viên trong đoàn bơ phờ và mệt. Buổi cơm trưa muộn ở một quán nhỏ ven đường giản đơn những món ăn quen thuộc. Đặc biệt món măng ớt cay xè với gạo Tám thơm lừng dẻo ngọt. Không biết với ai đó khi đi qua mỗi vùng đất lạ, điều gì sẽ khiến người ta nhớ tới nơi mình đã đi qua. Với tôi, những món ăn lạ, khung cảnh thiên nhiên và sự thân tình của người bản địa sẽ là điều gợi nhớ trong ký ức mãi mãi.
Trời chiều, vài vạt nắng điểm vàng trên trên đường, những cơn gió mát lạnh luồn qua khe cửa ùa vào mặt. Tôi cảm thấy cuộc sống bỗng dưng chậm lại, bình yên và thanh thản đến lạ thường. Xe đang chạy bỗng bắt gặp bên đường một làng nhỏ của người dân tộc, người chen đông đúc, sặc sở váy hoa thật đẹp. Tò mò, chúng tôi dừng chân và được biết đang có một đám cưới của người vùng cao. Cô dâu xúng xính trong váy áo đỏ rực rỡ, khuôn mặt e lệ khép nép và có phần căng thẳng trong lúc chờ làm những thủ tục nghi lễ cho đám cưới.
Những con người nơi đây hiền lành, chân chất. Đưa máy lên ghi lại khoảnh khắc hồn nhiên, ánh mắt tròn xoe đầy lạ lẫm của lũ trẻ. Khi tôi cho xem lại những hình ảnh vừa chụp, chúng reo cười ngời hạnh phúc. Hỏi rằng ở nhà đã có ảnh nào chưa, chúng ngơ ngác lắc đầu…Thương lắm, ước một lần nào đó ghé ngang, tôi sẽ mang tặng những tấm hình cho chúng. Hình ảnh những em bé ngủ vùi trên lưng mẹ, ấm áp say sưa má ủng hồng nhìn yêu đến lạ.
Ngỡ ngàng trước Tú Lệ một xã vùng cao của huyện Văn Chấn (Yên Bái), con dốc dài như dải lụa ôm quanh sườn núi, phía xa xa kia một thung lũng ruộng bậc thang mờ mờ trong màu khói lam chiều, mây bay là là vờn đỉnh núi. Chao ôi! Có phải là chốn thần tiên không vậy. Thiên nhiên sao khéo tạo hình, khéo dựng nên một chốn đẹp đến mê hồn như thế. Tôi lia ống kính máy ảnh bấm liên hồi, cứ chụp đã, cứ như sợ ai đó sẽ tháo mất mức tranh tuyệt trần ấy mang đi...
Đặt chân đến Tú Lệ vào ngày mùa, cả thung lũng man mác hương thơm của lúa, của đất. Mùi nếp thơm lừng khi vừa bước chân vào nhà nghỉ Phố Núi, cơn đói cồn cào có dịp nổi loạn chẳng chịu để yên cái bao tử rỗng. "Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò", câu ca dao ngợi ca về giống gạo quý của vùng đất Tú Lệ dường như bay xa khắp mọi miền đất nước. Xôi nếp mắm ruốc, muối lạc. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in và thèm lắm vắt xôi nếp nóng hổi ấy. Thiên nhiên ban phú cho mảnh đất Tú Lệ có những hạt nếp tròn căng, trong trẻo và dẻo thơm. Ai đến đó một lần đều nhớ mãi.
Rong ruỗi trên con đường hơn 30km ngoằn nghèo ôm vách núi để đến Mù Cang Chải (một huyện vùng cao thuộc tỉnh Yên Bái). Những ruộng lúa bậc thang đan vào nhau nhiều hình dạng đẹp mắt. Leo lên những ngọn đồi cao vút nhìn xuống thung lũng đầy ắp lúa vàng. Người dân đang hăng say gặt lúa, đập lúa trên khắp các thửa ruộng. Cuộc sống bình dị, thiếu thốn nhiều thứ nhưng ai ai cũng ánh mắt đầy lạc quan giữa ngày mùa tất bật. Đó là cách họ hài lòng và tật hưởng cuộc sống ở chốn thanh bình ấy. Mù Cang Chải nổi tiếng với La Pán Tẩn và Chế Cu Nha, hai xã có những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất là kiệt tác của người H’Mông đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia năm 2007, một danh thắng có lẽ là đặc biệt và độc đáo vào bậc nhất của Việt Nam.
Ai đã từng đặt chân đến nơi đây, giữa ngút ngàn rừng núi Tây Bắc đều bị cuốn hút trước vẻ đẹp tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho cảnh quan thiên nhiên và mê đắm bởi những giá trị văn hoá độc đáo do con người ở mảnh đất này tạo nên. Đó là vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, núi thì kỳ vĩ, ruộng thì mềm mại như dải lụa. Môt sự kết hợp giao hòa mềm mại như bức tranh ai đó tạc giữa trời. Tôi mơ hồ lắng nghe tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót miên man. Lẽ nào những bậc thang vàng óng kia nơi tôi đang đứng là những nấc thang lên thiên đường của Tây Bắc!? Tôi đã chạm đến thiên đường!
Khép lại giấc mơ phiêu Tây Bắc cung đường từ Hà Nội- Hà Tây- Phú Thọ-Yên Bái-Văn Chấn-Tú Lệ-Mù Cang Chải, tôi trở về “hạ giới” với cuộc sống thường nhật tất bật. Giấc mơ vẫn còn dang dỡ, tôi sẽ quay trở lại Tây Bắc giữa mùa xuân khi những cánh đồng bát ngát màu xanh.
Thiên Bình