Xem bài

Cực Đông Hôn Tia Nắng Đầu Tiên Trên Lãnh Thổ Việt Nam (Phần II)

Đúng 6h sáng hôm sau tôi và nhóm xuất phát sau khi mỗi người được phát 2 ổ bánh mì, 6 cây xúc xích lớn, 2 chai nước loại 1,5L và đối với nam thì thêm 2 chai khoáng chanh Vĩnh Hảo, nữ thì một chai. Tôi chợt thấy rùng mình khi cõng ba lô nặng cả chục kg trên vai gồm lỉnh kĩnh thức ăn, nước uống, quần áo, máy ảnh, giày đi rừng…Nhớ lại thời điểm leo Fan, chỉ mang mỗi balô đựng cái máy ảnh, vài thỏi socola, chai nước mà đã vã hết hơi sức. Thôi thì cứ nhắm mắt đưa chân, những bạn đồng hành khác còn cõng cả lều, túi ngủ… mình như thế thì xá gì. Gửi xe máy và một số hành lý tại nhà nghỉ, cùng chụp chung với nhau tấm hình lưu niệm rồi lên đường.

Người đón và dẫn đường đi ra Cực Đông là chú Ba. Một con người rất đỗi bình dị, hiền lành luôn khiến người đối diện có thiện cảm ngay lần đầu gặp gỡ. Chú nhiệt tình gom cả chục chai nước lớn cho vào chiếc ba lô bộ đội cũ kỹ và thoăn thoắt bước chân trên những đồi cát mênh mông. Sau cơn mưa hôm trước, cát đằm và dễ đi hơn, nhưng chỉ vừa qua vài ngọn đồi, tôi đã bắt đầu thấm mệt. Dẫu trời hôm ấy nắng muộn, là một may mắn vô cùng khi vượt qua đoạn đường dài toàn cát trắng nhưng cứ nghĩ đến những đồi cát thênh thang ấy là tôi lại thấy chùn lòng. Chú Ba bảo rất nhiều đoàn đã bỏ cuộc khi đi đến đồi cát này, và đã có người xỉu ngay trên đường đi vì cái nóng như thiêu trên đầu, cộng với cái rát gắt của cát dưới chân. Tôi đã từng leo lên đến đỉnh Fanxipan, từng đi bộ mấy km dọc những con dốc của núi rừng Tây Bắc, Nam Cát Tiên,  từng lê lết ăn bờ ngủ bụi những chuyến đi, từng là vận động viên điền kinh thời PTTH… Tôi ỉ y vào đôi chân khỏe khoắn và sức bền của mình. Vậy mà suýt chút nữa tôi là người …thất bại khi vượt qua quãng đường để đến Cực Đông. Đôi vai mỏi nhừ, từ đau điếng rồi tê cứng không còn cảm giác vì balô nặng trĩu. Đôi chân có lúc đứng dường như không vững vì mỏi. Niềm động lực duy nhất khiến tôi thúc giục mình “hãy cố gắng, cố gắng” là cảnh đẹp trên đường đi. Những bãi biển xanh trong giữa cát trắng mịn màng đẹp đến nao lòng. Dừng chân góc này vừa thốt lên “ôi đẹp quá!”, leo lên trên đỉnh đồi lại càng thấy đẹp hơn. Suốt quãng đường tôi luôn là người ..chốt đoàn, đó không phải là nhiệm vụ, mà sự mê mẫn khiến tôi bị lùi lại đằng sau, khoảng cách xa với đoàn.

Vượt qua được “sa mạc”, lại đến với những con đường nứt nẻ, sạt lỡ, nếu sơ hở một chút có thể trượt chân bất kỳ lúc nào. Bên này là núi, bên kia là biển cả, vực sâu. Tự nhiên tôi lại nhớ đến con đường hành quân gian khổ trong nhật ký Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi của Nguyễn Văn Thạc và con đường hành quân trong ký ức của Ba thường kể trong mỗi bửa cơm gia đình.

Đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống vịnh Vân Phong sao mà đẹp thế, núi ôm lấy biển vào lòng, điểm tô bằng những vạt cỏ đuôi gà như tranh. Chao ôi là đẹp. Qua hết núi, lại băng vào rừng, gai cây rừng cứ cào cấu vào quần áo, balô. Đường rừng lúc lên cao, lúc dốc xuống dựng đứng, cheo leo. Cả đoàn ai cũng mệt phờ, mồ hôi ướt dẫm như tắm, nước uống bắt đầu vơi. Chú Ba động viên cả đoàn cố gắng, còn hơn tiếng đồng hồ nữa là đến chổ trại của chú Ba. Tôi hỏi chú Ba mình đã đi được bao nhiêu km rồi, chú Ba bảo chú chưa bao giờ đo km, chỉ tính bằng thời gian.

Vực sâu hiểm nguy

Trời bắt đầu chớm trưa cũng là lúc đến chổ của chú Ba. Giữa cái nắng chang chang của  biển Miền Trung, không một bóng người sinh sống, mọi thứ đều hoang sơ. Vậy mà chú Ba liều lĩnh làm Robinson với một “giang sơn” cùng vợ con giữa vùng đất khô cằn như thế.  Chú Ba dành cho đoàn của tôi 3 con gà rẫy, cả đoàn sẽ có một bửa đại tiệc cháo gà trên đảo hoang vào buổi tối. Trong khi mọi người ngồi nhâm nhi chút rượu mật ong của gia đình chú Ba, tôi lang thang ra phía biển. Biển trời thêng thang, tôi thấy mình nhỏ bé và lạc lõng. Biển có khi ồn ào dữ dội, có lúc bình yên và lặng lẽ, lúc này đây tôi thấy lòng mình lặng lẽ nhưng chưa tìm được cảm giác bình yên.

Sau một hồi nghỉ ngơi, hàn huyên chuyện trò, cả đoàn lại tiếp tục hành trình. Chú Ba cảnh báo đây là đoạn đường vất vả, phải đi xuyên trong rừng. Nhiều đoạn rừng gợi trong tôi cung đường leo Fan. Leo Fan có lẽ vẫn không bằng vượt Cực Đông thế này, dẫu đường đi Cực Đông ngắn hơn nhiều so với leo Fan. Nhưng khí hậu lạnh vẫn thoải mái hơn nhều so với cái nóng như thiêu, mồ hôi đầm đìa, cần nước uống liên tục. Mỗi người gần 4lít nước vậy mà vẫn thiếu, uống dè dặt và kham khổ.  Rừng rập rạp, lối mòn duy nhất xuyên rừng là công sức của Chú Ba. Chú là người phát lối dẫn đường đầu tiên khi có người muốn tìm đến Cực Đông cách đây hai năm. Những con người ưa mạo hiểm, thích khám phá lại khiến chú Ba có thêm một nghề “Poster”. Oằn trên lưng balô đầy thực phẩm, nước uống đến vài chục kg, chân đi đôi giày vải rách tươm của một Phuoter bỏ lại, người đàn ông ngoài 50 tuổi rám chắc, nhanh nhẹn, thoăn thoắt như chàng trai tuổi đôi mươi.

Băng qua những đoạn rừng hiểm trở, âm u, những khe đá, chú Ba chỉ cho chúng tôi xem nơi đoàn trước đã bắt được một con trăn to khi vượt rừng ngang qua. Đang hăng hái đi trước, tôi chợt rùng mình khi vượt qua đoạn rừng ẩm ướt, lành lạnh. Dưới chân là dòng suối đọng nước vàng ố, trên đầu cây cối rậm rạp đan xen chằng chịt…Tôi dừng lại chờ đi chung với cả đoàn, ý nghĩ trong đầu rằng sẽ có con vật gì đấy từ trong bụi rậm chui ra, hay con rắn nào đó bò ngang, chắc là tôi sẽ..chết ngất. Có những đoạn đường cây găng kín mít lối đi, chú Ba đi trước dùng rựa chặt cây rừng, tôi mò mẫm theo dấu chân của chú, sợ đoàn đi sau sẽ bị lạc, tôi dùng gậy gạt lá cây đánh dấu mũi tên trên mặt đất. Nếu không có người dẫn đường sẽ hoàn toàn không tìm thấy lối đi, bởi cây cối rất nhiều, có những chổ phải cúi người bò qua, cây rừng bấu víu giật ngược ba lô trên lưng đến khổ. Một thành viên trong đoàn bị giãn dây chằng gối, mệt lã, đi khó nhọc phải dùng gel bó chân để đi tiếp. Vượt qua được đường rừng, ra đến biển, nghe tiếng gió thổi vào xua tan cái nóng. Chú Ba bảo, gần ra đến bãi san hô, tôi mừng thầm “đến bãi san hô rồi, vậy là gần đến nơi”. Tôi đã đọc từ blog của một Phuoter miêu tả đường đi Cực Đông, nghe tên bãi San Hô, tôi nhận ra đích đến đang rất gần. Niềm vui mừng vừa nhen nhóm đã vụt tắt ngay khi tôi nhận ra mình đang cheo leo trên đỉnh rừng, phía dưới kia là vực sâu và biển cả. Phải vượt qua con đường hiểm trở men theo vách núi để đi xuống biển. Cả đoàn kéo nhau đi lũ lượt, tôi ngồi lại một mình cùng với cậu bạn để chụp ảnh và bắt đầu thấy hoang mang vì không biết phải đi như thế nào để xuống được phía dưới. Tôi cất tiếng gọi, cậu bạn thồi còi nhưng tất cả là sự im lặng giữa cái nắng chói chang. Thôi thì cứ lò mò mà đi vậy, men theo con đường đá lởm chởm với sự vô định, bỗng nghe líu ríu tiếng nói cười xa xa. Tôi nhận ra đoàn đang ngồi trú nắng ở hốc cây gần bãi biển. Mừng rơn, thế là không sợ lạc nữa rồi.

Đấy là một bãi biển hỗn hợp giữa san hô, đá và cát. Trên bờ là những đám san hô trắng tinh bị sóng đánh dạt vào, ra đến gần mép biển là một đoạn cát trắng, dưới nước là một thế giới san hô …chết màu vàng sẫm. Bãi biển này toàn san hô chết và đá ngầm. Tôi xách máy ảnh lang thang giữa cái nóng kinh người. Lúc này là giữa trưa, thủy triều bắt đầu rút để lộ những khối đá và san hô nhô lên mặt nước. Vô vàn những loài sinh vật biển khó ưa như đĩa biển, và những con tôi chẳng thể biết tên nhưng trông chúng thật đáng sợ. Tôi vẫn còn ám ảnh bởi những con đĩa biển to đùng khi đến Bình Ba và đến đảo Kiulu, giờ lại nhìn thấy chúng, ghét ơi là ghét.

Phía trên bờ, cả đoàn lấy đá kê lại làm bếp…dã chiến, khói nghi ngút, nóng bức và ngột ngạt. Chú Ba bảo ở đảo này có một mạch nước ngầm chảy ra từ vách đá, đoàn nào đến đây hết nước mang theo đều phải uống nước ngầm này. Chú gom những chiếc chai nhựa rồi lội biển đi về hướng các vách đá để ấy nước đun luộc gà. Trong cơn khát mới thấy quý biết bao từng giọt nước, cả tiếng đồng hồ mới hứng được một chai nhựa chưa đầy lít. Hì hục mãi cuối cùng cũng luộc xong 3 con gà. Trời đã sang nữa buổi chiều, đổ gạo vào nồi, đổ đầy nước và cả đoàn kéo nhau ra Cực Đông kẻo trời tối mất. Đến được bãi San Hô là coi như đã chạm đến một phần của Cực Đông, chỉ còn vượt qua một đoạn đường băng qua rừng cây rồi vượt qua những tảng đá chồng lên nhau cheo leo giữa biển là sẽ thấy lá cờ đỏ thắm nơi đó là Cực Đông tổ quốc. Nghe thì dễ và gần lắm, nhưng đi đi rồi sẽ thấm, lúc đó mới thấy tự hào biết bao khi chạm bàn chân đến nơi này. Nếu đi ra Cực Đông khi thủy triều vẫn còn lên cao thì phải trèo lên những tảng đá, nếu thủy triều rút sẽ đi men theo đường biển trên đám san hô phủ đầy rêu, trơn trợt. Thật may khi chẳng ai mang ba lô hành lý theo, nếu không chắc sẽ vô cùng vất vả khi phải nhảy qua các ghềnh đá. Tôi phải cho máy ảnh vào ba lô đeo xéo đằng sau lưng để nhảy. Nhiều người trong đoàn va vào đá trầy xước rướm máu. Những khối đá khổng lồ tồn tại hàng triệu năm giữa thiên nhiên, cả đoàn phải vô cùng cẩn thận để tránh tai nạn. Người đi trước dìu tay người đi sau, một mình thì không tài nào đi được. Leo lên, leo xuống, rồi lại chui qua những khe đá. Đường đến vinh quang chẳng bao giờ bằng phẳng, thử thách dài đã vượt qua, giờ chỉ còn một chút xíu nữa thôi là bao nhiêu cảm xúc sẽ vỡ òa vậy mà chao ôi là vất vả. Những tiếng la hét đầy vui sướng của những người đến trước vọng lại, càng thôi thúc và đầy háo hức trong tôi. Chui qua khe đá bé xíu vừa lọt đúng một người (đừng quá béo) là một cảm giác hoàn toàn khác trong lòng tôi. Nhìn lá cờ đỏ trên nóc chòi vọng gác giữa biển khơi, trong tôi đầy kiêu hãnh và tự hào. “Tôi đã đến đây, tôi đã đến đây Cực Đông tổ quốc”. Gió chiều lồng lộng, mấy lá cờ đỏ sao vàng của đoàn mang theo đỏ rực bay phấp phới. Tôi gắn máy ảnh vào tripod và chụp lưu niệm cùng với cả đoàn. Đấy là khoảnh khắc mà trên gương mặt ai cũng rạng ngời, bao mệt nhọc dường như tan biến.

Tôi đã đặt chân đến Mũi Đôi – Cực Đông đất nước. Tôi đã tận mắt nhìn thấy nơi mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên trên Đông Nam Á lục địa. Tự hào thay!

Trong khi cả đoàn nhốn nháo chụp hình lưu niệm, tôi lặng lẽ nhìn ra xa, tôi dành một khoảnh khắc cho chính mình: “Ba!con đã đến nơi này. Giờ đây con không còn có Ba để trong mỗi chuyến đi con sẽ luôn gọi về tíu tít kể Ba nghe những nơi con đến…” “Mình! Hãy vứt hết những muộn phiền, hãy thả xuống đây những điều không tốt đẹp, hãy hướng về phía mặt trời sẽ thấy những ánh hào quang…” Thế nhé!

Biển sậm màu, cũng là lúc ai nấy đều thấy cồn cào cơn đói, chợt nhớ đến nồi cháo gà đang nấu dỡ. Lục đục kéo nhau quay trở về, nồi cháo trở thành nồi cơm nhão, ba con gà kiến phủ đen… Vậy mà ăn cũng ngon đáo để. Mấy cái lều được dựng lên, cả đoàn cứ mong đêm nay trời đừng mưa, nếu mưa đám đàn ông sẽ ướt hết vì lều chỉ đủ cho nữ thôi. Chưa bao giờ tôi lại thấy biển nóng như vậy, chẳng một cơn gió lạc đường. Nực nực khó chịu làm sao. Lửa được nhóm lên, mọi người quay quần bên đống lửa để xưa đàn muỗi. Kem chống muỗi hình như chỉ kháng được muỗi thành phố, còn muỗi ở Cực Đông càng bôi kem, càng thơm, càng bâu vào.

Tôi cùng hai cô bé đến từ Hà Nội nằm chênh vênh trên hòn đá giữa bãi biển, vừa sột soạt, vừa trò chuyện. Ba đứa khênh cái lều ra sát mép biển để mong có gió thổi vào. Lều không có cửa sổ nên phải mở cửa chính để hứng gió, muỗi cũng theo đó bay vào được một bữa đại tiệc hoành tráng. Tôi nằm không tài nào ngủ được, vừa nóng, vừa ngứa, vừa lo canh cánh sợ thủy triều lên cuốn ba đứa ra biển. Chốc chốc lại ngồi dậy bấm đèn pin ra phía biển xem nước lên đến đâu, lại chui vào nằm, rồi lại chui ra gọi hai cô bé dậy khênh lều di dời...tìm gió. Ba giờ sáng tôi bấm đèn pin một vòng xem mọi người thế nào, kẻ trong lều, người nằm trên cát, người co ro trên mấy tảng đá. Nằm ngủ mà chân ai cũng cứ đung đưa như đang nghe nhạc. Trời thi thoảng lại rớt vài giọt mưa, lúc này lại ước giá gì mưa thật to cho mát.

Thoắt cái đã 5 giờ sáng, tôi nhìn ra phía Mũi Đôi,  những mãng sáng đầu tiên đang hừng lên sau mấy đám mây. Quay vào lều lấy máy ảnh, đi tìm đá để kê máy và ..chờ đợi. Chuyến đi này đúng vào thời điểm đang ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên thật tiếc, mây vằn vện cả bầu trời. Những tia nắng đầu tiên rãi đều trên biển, rực hồng. Ngày mới, tia nắng mới, con người mới trong tôi sau một đêm không ngủ.

Mọi người lại lục đục vượt đá cheo leo đi lấy nước về nấu mì gói. Có đến cả một thùng mì nhưng nước thì chỉ có một chai nhỏ, vậy mà các “anh nuôi” cũng khéo nấu được mì để ăn. Bữa điểm tâm của tôi là một cây xúc xích, mà mấy hôm rồi ngày nào cũng xúc xích cầm hơi. Cắn miếng nào là cảm giác nhợn ngán dâng trào đến đó. Xin thề từ nay trở đi không bao giờ dám màng đến món xúc xích.

Đoàn hẹn tàu ông Bảy đến đón lúc 7 giờ, mọi người ngồi la liệt trên biển chờ tàu. Thời gian trôi chậm chạp, càng mong ngóng, mọi thứ càng lâu. Tôi có niềm đam mê để giết khoảng thời gian này, xách máy ra biển, nghịch ngợm cùng con sóng.  Chiếc tàu gỗ từ từ xuất hiện ngoài khơi, cả đám reo hò “Tàu đến rồi!”. Phải công nhận rất đúng giờ, ông Bảy hẹn 7 giờ, đúng giờ tàu có mặt. Vì khu vực biển có nhiều đá ngầm nên tàu phải dừng ngoài khơi xa, mọi người được chuyển ra tàu bằng thúng. Tôi nán lại chụp cùng chú Ba một tấm hình. Đoàn lên tàu, chú Ba sẽ quay về bằng đường rừng. Tạm biết chú Ba, không biết đến bao giờ mới có dịp gặp lại chú. Cảm giác lúc chia tay thật bịn rịn, ai cũng đầy lưu luyến.

Chiếc thúng chòng chềnh đưa tôi ra xa bờ, xa chú Ba, xa nơi tôi vừa đến đầy ắp những kỹ niệm. Những cánh tay liên tục vẫy vẫy… Cuộc đời này thật ghét cảnh chia ly. Người ra đi buồn, người ở lại cũng có vui gì. Tôi tự động viên mình “hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế…” Tôi đang tập làm một con người khác tôi trước đây, không nước mắt, cứng cỏi và lạnh lùng với mọi thứ… Con tàu nổ máy hướng ra khơi, chú Ba vẫn ngồi trên mỏm đá nhìn xa xăm về hướng con tàu. Tạm biệt chú Ba…

Tàu rẽ sóng bao la, thỏa sức với cảnh mây trời sóng nước được một hồi thì một số thành viên trong đoàn bắt đầu say, mệt mỏi và ói. Tôi bắt đầu nghêu ngao hát mặc kệ những ánh mắt các thành viên trong đoàn nhìn tôi đầy lạ lẫm: “chỉ có thuyền mới hiểu, biển mênh mông dường nào. Chỉ có biển mới biết, thuyền đi đâu về đâu…”. Hơn hai tiếng lênh đênh trên biển, gần 10 giờ trưa thì tàu cập cảng cá Đầm Môn, trời chang chang nắng.

Quay về nhà nghỉ, mua nước tắm và chuẩn bị hành lý lên đường về Phú Yên. Điểm đến tiếp theo sẽ là Hải Đăng Đại Lãnh. Dọc đường trở ra biển xanh ngắt, cát trắng mịn màng, cả một khoảng trời trước mặt toàn là biển. Vậy là tôi thỏa lòng được chiêm ngưỡng “thiên đường”. Tận mắt thấy những đìa nuôi tôm, những đồi cát trắng mênh mông, những bãi biển trong xanh đẹp tuyệt vời, phải nói là thích ngất.  Cả đoàn dừng lại chân đèo Cổ Mã chia tay một thành viên rời đoàn đi Nha Trang, sau đó tiếp tục vi vu lên đèo, băng qua những con đường đèo uốn lượn như tranh. Rẽ vào Vũng Rô, trên con đường đi Hải Đăng Đại Lãnh, biển bao quanh bốn bề. Đã quá trưa rồi nhưng cả đoàn không muốn mất thời gian dừng lại ăn uống, thế là quyết định “tuyệt thực” chịnh phục Hải Đăng, nhiều thành viên mặt méo xệch vì đói.

Dưới chân ngọn Hải Đăng là con đường đang dang dỡ thi công. Sau này đến Hải Đăng đường sẽ dễ đi hơn rất nhiều. Đoàn vào gửi xe ở quán nhà Ông Mười, ở đây nếu muốn ăn uống có thể đặt trước, ông Mười sẽ chuẩn bị thực đơn theo yêu cầu không thiếu một món nào từ Tôm, Cá, Mực hay món Cua Huỳnh Đế… Đoàn của tôi chỉ uống nước và gửi xe sau đó leo Hải Đăng. Dưới chân Hải Đăng, bãi Môn hiện ra đẹp như cổ tích, càng leo lên cao nhìn xuống càng trầm trồ không ngớt. Mũi Đại Lãnh hay còn gọi là Mũi Điện là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển, nơi đất liền gần hải phận quốc tế nhất và cũng là phần đất liền gần với điểm Cực Đông tổ quốc. Từ trên đỉnh tháp Hải Đăng nhìn xuống giống như một “thiên đường Bali” của Việt Nam. Nước biển trong xanh nhìn xuyên thấu những mãng đá ngầm. Tôi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp và vẻ hoang sơ của vùng đất khắc nghiệt giữa Miền Trung.

Rời Hải Đăng, chúng tôi theo con đường được xẻ dọc theo vách núi chạy về tận Tuy Hòa. Trước đây chưa có con đường nhựa mới làm, từ Tuy Hòa muốn ra bãi Môn và mũi Đại Lãnh phải đi đường rừng hoặc đi thuyền trên biển. Hãy thử đến nơi đây một lần, tôi tin rằng bãi Môn sẽ được bình chọn là một trong những bãi tắm tuyệt vời nhất mà bạn đã từng đến trong đời.

Lòng cứ tiếc nuối, ngoái nhìn mãi “thiên đường” nơi tôi vừa đi qua, cho đến khi khuất dần phía sau. Từ Hải Đăng về Tuy Hòa khoảng 2 tiếng, vừa qua cầu Đà Rằng, cơn mưa chiều bất chợt rượt đuổi. Cả đoàn chạy đua dưới cơn mưa dọc theo bờ kè bên dòng Sông Ba. Tấp vào quán Cây Sung bên đường, chúng tôi tự thưởng một bữa ăn hoành tráng toàn đặc sản của miền biển Phú Yên. Nào tôm Sú nướng, nào mực ống luộc, nào cá Bớp nấu lẩu, nào cá Bò Da nướng và cả đặc sản mắt cá ngừ đại dương ngon tuyệt. Nếu ai có dịp dừng chân ngang qua Phú Yên, đừng bao giờ bỏ lỡ món mắt cá ngừ đại dương hấp cách thủy. Thử ăn một lần thôi để nhớ mãi…

Cơn mưa dứt, nắng chiều vàng ươm, tôi lang thang xách máy đi dọc sông Ba. Cảm nhận cuộc sống thật thanh bình, một chiếc áo rất mới vừa khoác lên vùng đất nghèo khó. Mọi thứ đang cựa mình thay đổi, Phú Yên ngày hôm qua và hôm nay đã khác rất nhiều.

Tạm biệt Phú Yên, tạm biệt những con người nhiệt tình, những cung đường tôi cùng các bạn đồng hành đã rong ruỗi mấy ngày qua. Tiễn chúng tôi đi, trời đổ mưa to…Đoàn chúng tôi đứa vào Nam, kẻ ra Bắc, người tiếp tục cuộc hành trình xuyên Việt. Cô bé Trà Mi và Thu Dung người Hà Nội nhào đến ôm tôi vội vã : “Tạm biệt các anh chị, em đi đây…!” Em leo lên chiếc xe tốc hành tiếp tục cuộc chinh chiến của mình… Tôi nhìn em nhảy chân sáo, miệng cười vui mà lòng thật khó tả.

Đếm sao xuể những lần chia tay sau mỗi chuyến đi, cảm xúc trong tôi lúc nào cũng tràn đầy tiếc nuối, muốn níu kéo mọi thứ. Tạm biệt, tạm biệt…chỉ là tạm biệt để bắt đầu những chuyến đi khác trong đường đời. Cứ đi đi rồi sẽ lại gặp nhau…Tôi tin như thế.

Thien Binh - T7/2011
nhombientap · 1843 ngày trước
Bình luận
Xếp theo: 
Trên một trang: 
 
  • Chưa có bình luận nào
Post info
10.08.2011 (1843 ngày trước)
Tùy chọn
Đánh giá
0 đánh giá
Đề xuất
 
Bài nổi bật
Chuyên mục
Miền Nam (3 bài)
Miền Trung (1 bài)
Tin tức (3 bài)
Điểm đến (1 bài)
Cực Đông Hôn Tia Nắng Đầu Tiên Trên Lãnh Thổ Việt Nam (Phần II)