Trên trang CinveaBlog có một bài viết "Hời hợt và phù phiếm" xin trích dẫn lại chia sẽ với các bạn Saigonphoto.net
Khi nghĩ về nhiếp ảnh, tôi thường liên hệ với hình ảnh một con đường mòn với những ngã rẽ, trên mỗi con đường nhỏ có một tấm biển đề “Chân dung”, “Phong cảnh”, “Thời trang”, “Tĩnh vật”, “Đời thường”, từ mỗi ngã rẻ đó lại dẫn ta đến một ngã rẽ khác, ngã tư này nối tiếp ngã tư kia tỏa dài ra vô tận như một mạng lưới chằng chịt, một ma trận các ngã rẽ, mỗi người khi quyết định theo đuổi sự say mê với nhiếp ảnh sẽ phải tự mình tìm cho mình một lối đi. Có thể lối đi đó là một con đường to rộng đã nhiều người đặt chân lên, hoặc đó có thể là một lối đi lau lách, cỏ gai bám đầy chưa từng có người biết đến hoặc đã từng biết đến những đã lãng quên lâu lắm rồi… Chọn con đường nào để đi là sự lựa chọn riêng của mỗi người, khó có thể nói con đường nào là đúng, con đường nào là sai. Cách đây ít lâu, tôi được xem một cuốn sách ảnh có nhan đề “Paris Mon amour” - Paris Tình yêu của tôi, đó là một cuốn sách ảnh ấn bản bìa mềm, do nhà xuất bản Taschen ấn hành. Có lẽ là bản dành cho dân du lịch, thứ sách ảnh khi người ta đi du lịch tại một nơi nào đó, ghé quầy bán hàng lưu niệm và muốn tìm mua một thứ gì để làm kỷ niệm cho chuyến đi của mình. Điều cuốn hút tôi là tấm ảnh bìa của cuốn sách, một tấm ảnh đen trắng thoạt đầu nhìn rất bình thường, một khung cảnh nhìn từ bên trong một quán cafe, một chiếc bàn với độc chiếc đĩa trống trơn, khung cửa sổ nhìn ra một con đường vắng vẻ, xa xa là một người đàn ông đang vội vã chạy. Thế nhưng bức ảnh càng nhìn càng cuốn hút, bởi cái không khí rất đặc trưng Paris mà khó giải thích nổi, có thể là cái dáng nhẹ nhàng thanh thoát như múa của nhân vật ở xa xa, có thể là do quán cafe đặc trưng Paris… nhưng bao trùm lên tất cả là thứ ánh sáng mộng mị ma quái mờ ảo. Một bức ảnh có độ chênh sáng rất cao, từ trong nhà ra ngoài trời nhưng đã được xử lý bằng kỹ thuật buồng tối với tay nghề điêu luyện.

Ấn tượng đầu tiên của tôi, hẳn tác giả của bức ảnh này là một trong những tay máy street-life nổi tiếng của Pháp như Henri Cartier Bresson hay Robert Doissneau… thế nhưng tôi rất ngạc nhiên vì tác giả của bức ảnh này là một cái tên xa lạ với tôi, Jeanloup Sieff. Lạ hơn nữa là những kết quả tìm kiếm lại được trả về với những bức ảnh thời trang. Đó là lần đầu tiên tôi được biết đến Jeanloup Sieff. “Hời hợt và phù phiếm” đó là những từ ngữ mà Jeanloup Sieff tự nhận khi đánh giá về những bức ảnh của ông, thế nhưng những ai đã từng xem chúng đều phải đồng ý rằng chúng mô tả chính xác một cách ngược lại. Cho dù là ảnh thời trang, ảnh chân dung hay là ảnh đời thường… tất cả những bức ảnh đều phản ánh một triết lý sâu xa về cuộc sống, một sự chiêm nghiệm về cuộc đời. Jeanloup Sieff biết đến nhiếp ảnh khi còn khá sớm, năm 14 tuổi (năm 1947), hai năm sau cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II, ông được tặng một chiếc máy ảnh bằng nhựa và bắt đầu trải nghiệm với nhiếp ảnh. Đó là một câu chuyện quen thuộc với những cậu bé thời kỳ đó. Trong số hàng trăm ngàn cậu bé như thế chỉ có một số ít người có được tình yêu thực thụ với nhiếp ảnh. Jeanloup Sieff không chỉ chụp ảnh như một trò chơi mà ông đã quyết định dấn thân vào nghề nghiệp bằng cách ghi danh vào trường nhiếp ảnh. Năm 1954, khi ông 21 tuổi, vẫn còn đang là sinh viên, ông đã bắt đầu kiếm tiền bằng việc chụp ảnh tự do cho các tờ báo. Rất nhanh chóng chỉ 2 năm sau ông đã bắt đầu chụp ảnh thời trang cho các tờ tạp chí và đến năm 1958 ông đã chính thức gia nhập Magnum, một niềm tự hào và mơ ước cho các phóng viên ảnh. Nói đến Jeanloup Sieff người ta thường nhắc đến ảnh chân dung, ảnh thời trang và ảnh nude, mặc dù bản thân Jeanloup Sieff thường nói: “Tất cả khía cạnh của nhiếp ảnh đều làm tôi yêu thích, đối với cơ thể người phụ nữ tôi có cùng sự tò mò và cùng một tình yêu cũng như đối với một phong cảnh, một gương mặt hay là bất cứ gì tôi thích thú”. Có lẽ tại vì dấu ấn của Jeanloup Sieff lên ảnh thời trang và chân dung là quá to lớn nên người ta không thể nào không nhắc đến ông. Cùng với những tên tuổi như Helmut Newton, Richard Avedon… ông là một tượng đài khó thể vượt qua.




Jeanloup Sieff không coi người mẫu chụp ảnh chỉ như là một cái mắc áo đẹp để người ta treo lên những bộ trang phục. Chuyên sử dụng ống kính góc rộng 21 hay là 28 mm trên body Leica M để chụp thời trang, Jeanloup Sieff đã đưa một cách nhìn khác hẳn vào trong nhiếp ảnh thời trang, người mẫu trong ảnh của ông luôn được đưa vào những không gian đầy ăm ắp thông tin, người mẫu ảnh không chỉ là những con manơcanh mà là những con người thực sự sống với những suy nghĩ nội tâm. Những bức ảnh thời trang của ông khiến người xem phải suy nghĩ thay vì chỉ lướt qua như những bức ảnh thời trang khác. Với ống kính góc rộng, Jeanloup còn là một thầy phù thủy trong ảnh khỏa thân,những bức ảnh khỏa thân ngòai sự ca ngợi vẻ đẹp về hình thể của người phụ nữ còn làm người xem suy nghĩ về một thế giới khác, một thế giới bên ngòai của những bức ảnh.





Khi viết bài này, tôi rất đắn đo về việc có nên đưa thêm thông tin về thiết bị do Jeanloup Sieff sử dụng vào bài viết hay không, bởi vì tôi không muốn làm người đọc bị sai lệch thông tin rằng, do Jeanloup sử dụng máy Leica M và ống góc rộng 21, 28 mm nên ảnh của ông có sự độc đáo như vậy. Thực tế thì có rất nhiều nhiếp ảnh gia sử dụng thiết bị tương tự nhưng để có được những bức ảnh như Jeanloup thì lại không phụ thuộc vào thiết bị mà phụ thuộc vào cái nhìn và kỹ thuậ cũng như tay nghề xử lý của người chụp. Jeanloup Sieff không chỉ là một tay máy giỏi, khác với nhiều tay máy nổi tiếng khác, ông luôn tự tay xử lý những bức ảnh của ông, thứ ánh sáng mộng mị ma quái trong ảnh của ông một phần là do tay nghề buồng tối. Chính vì thế, trong lĩnh vực ảnh chân dung, những con người nổi tiếng của thời đại, trong suốt cuộc đời họ có bao nhiêu tay máy đã từng chụp, thế nhưng những bức ảnh chân dung do Jeanloup Sieff chụp họ lại không lẫn vào những bức ảnh khác. Có lẽ bởi vì ông đã thành công trong việc mô tả và khắc họa tâm hồn, tính cách của người được chụp.

Chân dung Jane Birkin, người mà hãng Hermes đã làm riêng một dòng túi đắt tiền đặt tên theo tên cô, túi Birkin.

Ông chủ hãng thời trang Yves Saint Lauren.
Biểu tượng của cái đẹp Pháp, Catherine Deneveu 
Francoise Sagan - Tác giả cuốn “Buồn ơi, chào mi”.

Giã từ cuộc sống năm 2000 thế nhưng con đường nhiếp ảnh Jeanloup Sieff đã trải qua là một con đường đáng kể. Những người đi sau có thể chọn con đường Jeanloup đã đi qua để đi tiếp hoặc tự chọn cho mình con đường khác, có thể gồ ghề hơn, có thể khó khăn hơn, có thể không ai biết đến. Con đường của Jeanloup đã trải qua như ông tự nhận xét: “Ảnh của tôi không có lý lẽ gì, cũng chẳng có luật lệ gì, tất cả phụ thuộc vào cảm xúc, cảm xúc của khoảnh khắc đó và cảm xúc của người được chụp.”
Trích dẫn từ Cinvea Blog.