Loạt bài này em đăng ở vnphoto rồi nhưng nếu để nó nằm im lìm ở database thì phí quá. Nay em kéo nó dậy , thêm bớt 1 chút xíu và gán thêm một số ảnh nhằm tạo ra một cái gì đấy unique cho version bên này. Mục đích chính là để để góp vui với các bác bên này. Hy vọng em không làm vướng chân vướng cẳng mọi người
------------------
Đi từ Châu Âu qua Châu Á trong 15 phút (Tháng 3, 2007)
Vùng đất em đang dẫn các bác đến là một thành phố sầm uất nằm ngay biên giới tự nhiên giữa Châu Á và Châu Âu. Để đến được đây, em phải chuẩn bị trước cho chuyến đi từ tháng 2 vì em hoàn toàn mù thông tin về đất nước, con người và phong tục tập quán của vùng đất này. Vạn sự khởi đầu nan, em phải mất 2 lần đi lại thì mới lấy được Visa!
Vào một ngày đầu tháng Ba, em và một người bạn học bắt chuyến bay sớm từ Bergamo (Italy) trực chỉ về hướng Đông "huyền bí"...
Myair (Em chụp @ ISO 800 nên noise hiện ra kinh dị luôn. Do không được phép chụp nên em phải vừa đi vừa nín thở và... vừa chụp lén!)
Sau gần 2 tiếng bay, máy bay hạ cánh xuống sân bay Sabiha Gökçen. Nhiệt độ đang khá thấp, khoảng 10 độ C vì giai đoạn này vẫn còn đang trong cuối Đông. Sân bay Sabiha Gökçen mang tên của một nữ phi công đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Sân bay này khá nhỏ nhưng vừa được nâng cấp và mở rộng thêm nên có dáng vẻ khá hiện đại.
Từ sân bay, em bắt shuttle bus về trung tâm thành phố với giá vé khoảng 9,5 lira (5 euro). Ngay khi bus vừa ra khỏi khu vực phi trường, điều ấn tượng đầu tiên đập vào mắt em là những trận địa phòng không. Những toà tháp của các thánh đường Hồi giáo có dáng vẻ giống như những quả tên lửa với những chóp mái nhọn hoắc chĩa thẳng lên trời. Những thánh đường hồi giáo được xây dựng nằm xen kẽ trong khu dân cư với mật độ khá cao. Cứ khoảng vài trăm mét là có một thánh đường nhỏ với 2 ngọn tháp nhọn cao vút.
Một thánh đường Hồi Giáo nằm giữa khu dân cư. Ảnh chụp từ trên xe bus.
Sau 30 phút, bus bắt đầu đến biên giới tự nhiên giữa Châu Á và Châu Âu: đó là con sông Bosphorus. Dân bản xứ thường gọi là Boğaz. Con sông này chính là biên giới tự nhiên phân chia Istanbul thành 2 phần chính đó là bờ Á và bờ Âu. Bosphorus nối liền biển Đen và biển Marmara (thuộc biển Địa Trung Hải). Để vượt qua sông, mọi người thường dùng phà hoặc đi qua 2 cây cầu dây văng dài xấp xỉ 1 km là Bosphorus I và Bosphorus II (người bản xứ gọi là Fatih Sultan Mehmet)
Cầu Bosphorus I chụp từ bờ Tây (phần bên Châu Âu)
Nhìn chung Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) cũng chỉ được liệt vào những nước đang phát triển (nhưng sự thật mà nói là phát triển trước Việt Nam mình 1 chút... xíu). Những khu nhà xập xệ vẫn cùng tồn tại với những khu nhà chung cư cao tầng hiện đại.
Điều khá hay là mặt bằng cơ sở hạ tầng được đầu tư khá tốt. Nếu chỉ nhìn chăm chăm vào con đường cao tốc 4 làn xe (mỗi bên) và hệ thống cầu vượt vòng xoay thì không ai nghĩ là đang ở TNK mà là một nước Tây Âu nào đấy!
Càng vào gần trung tâm Istanbul, càng có nhiều cao ốc chung cư với dáng vẻ khá hiện đại. Thật thú vị là khi em cho một người bạn học cùng lớp xem loạt ảnh này thì cô ta rất phấn khích reo lên là căn hộ gia đình cô ấy đang ở chính là trong cái building nằm ngay cạnh building màu đỏ trong tấm ảnh sau.
